CÔNG TY TNHH KHÍ HÓA LỎNG VIỆT NAM - VT GAS

VT GAS - VIET NAM LIQUEFIED GAS COMPANY LIMITED

Thành viên của

Gas South với hành trình “Qua miền Tây Bắc”

Gas South với hành trình “Qua miền Tây Bắc”

Tham gia đoàn có ông Phan Quốc Nghĩa- Bí thư Đảng ủy, ông Nguyễn Ngọc Luận – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty làm trưởng đoàn cùng các đại biểu là Cán bộ lãnh đạo, Đảng viên ưu tú của Công ty. Chương trình này là dịp để CBNV Gas South tri ân những vùng đất, những con người và hơn hết là dịp đi để học, để thấy, cảm nhận và thấu hiểu sâu sắc những bài học ân tình.

Chiêu đãi đoàn chúng tôi sau khi kết thúc đoạn đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với 264 km là đặc sản Tây Bắc “cua đèo” với chiều dài gần 50km, trong đó 2/3 con đường thuộc địa phận huyện Tam Đường - Lai Châu, 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa - Lào Cai. Vượt qua cổng Vườn Quốc gia Hoàng Liên chừng vài cây số là tới đỉnh đèo Ô Quy Hồ, đây cũng chính là điểm ranh giới giữa hai tỉnh miền núi phía Bắc Lào Cai và Lai Châu, uốn lượn quanh dãy núi Hoàng Liên, nơi có đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương lộng gió trên đỉnh cao 3.414m.

Tây Bắc, vùng đất gắn chặt với những thăng trầm lịch sử của đất nước, dân tộc Việt Nam, vùng đất kỳ lạ và hấp dẫn, bởi không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đời sống văn hóa các dân tộc rất đặc sắc, mà trong chiến tranh giải phóng dân tộc, con người, vùng đất này đã có nhiều đóng góp to lớn, góp phần quan trọng vào chiến thắng của đất nước, nhiều tên người, tên núi, tên sông đã đi vào thi ca, nhạc, họa như một huyền thoại. Những con đường xuyên qua những đồi núi ngoằn ngoèo, khúc khuỷu đã đưa chúng tôi đến Thị trấn Sapa - nơi gặp gỡ đất trời.

Sau 1 đêm nghỉ dưỡng sức tại Sapa, sáng sớm hôm sau đoàn chúng tôi cùng nhau chinh phục đỉnh Fansipan - “nóc nhà Đông Dương” cùng khí thế sức còn khỏe và đôi chân còn vững với sự giúp đỡ của trợ thủ đắc lực cáp treo mà ai ai cũng cảm thấy sự vĩ đại của bàn tay tạo hóa và tự hào về một công trình vỹ đại do những người công nhân, thợ hồ, kỹ sư của Việt Nam mình hoàn thiện. Khi dừng ở ga cáp treo ở trên đỉnh với độ cao 2.800m, đoàn chúng tôi đi bộ đến đỉnh. Mỗi bước chân qua từng dãy bậc thang là một điểm tham quan để phải dừng lại, lưu giữ cho mình những bức ảnh đẹp. Thấy sức mình không đủ với không có nhiều thời gian để leo bộ từ chân núi lên chạm đỉnh, nên 603 bậc thang cuối cùng này thật tuyệt vời để mình cảm thấy bàn chân mình được tự bước những bước chân lên đỉnh, mặc dù khi việc đến đỉnh Fansipan trở nên dễ dàng hơn, cái cảm giác rạo rực tự hào không còn rõ nét nữa nhưng đã giúp thực hiện mong muốn của hầu hết mọi lứa tuổi. Cảm nhận không gian cả bầu trời Đông Dương bên cạnh đồng nghiệp, bạn bè cũng đã là một khoảnh khắc tuyệt vời, khó tả.

Đoàn check in tại đỉnh Fansipan

Đứng trên đỉnh, phóng tầm mắt ra 4 phương 8 hướng, xung quanh chỉ có mây, sương mù, từng làn gió lạnh và núi non nhưng lại thật hùng vĩ. Fansipan mãi mãi là đỉnh núi cao nhất của Đông Dương. Nhưng Fansipan không còn là huyền thoại, không còn là ước mơ mà là hiện thực, là sự thực, như hôm nay chúng tôi đứng trên đỉnh núi cao nhất Việt Nam với lòng tự hào và xúc động về quê hương đất nước mình, dù nó chỉ là điểm nhỏ, rất nhỏ trên hành tinh này.

Rời Sapa, chúng tôi lại tiếp tục hành trình của mình qua đèo Pha Đin, là một trong "Tứ Đại Đỉnh Đèo" nối liền giữa hai xã của tỉnh Sơn La và Điện Biên, là biểu tượng của Tây Bắc, tuy là một trong những đèo hiểm trở nhất Việt Nam, nhưng lại có cảnh núi non hùng vĩ đẹp làm mê đắm lòng người.

“Như từng đợt sóng bủa lên trời
Hùng vĩ Pha Đin gì sánh được
Lắc đầu tài xế thấm mồ hôi
Bến dốc chon von ngàn thước vực
Lên thì “Cổng trời” xuống vực thẳm
Uốn quanh đá trắng lượn vòng thang”

Mỗi nẻo đường hướng về Tây Bắc đều chứa trong mình dấu ấn lịch sử oai hùng, và mỗi khi trải nghiệm đến địa danh, ngọn núi hay cung đường... về Điện Biên đều làm khơi dậy một cảm giác đặc biệt, đó là cảm giác tự hào và biết ơn, hùng vĩ và trữ tình.

Sau một đêm nghỉ dừng chân tại thị xã bé nhỏ và mơ mộng Mường Lay, nằm phía Bắc của tỉnh Điện Biên, chúng tôi khởi đầu hành trình tham quan các địa điểm lịch sử, Đoàn chúng tôi đã đến dâng hương, tưởng niệm và tỏ lòng thành kính với những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến lịch sử này tại khu Nghĩa Trang A1. Nơi đây có 644 ngôi mộ là những cán bộ, chiến sỹ quân đội đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ hầu hết là các ngôi mộ vô danh, chỉ có 4 ngôi mộ có tên là các anh hùng liệt sỹ: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can và nhiều lắm những bia mộ với những chữ in hoa, ngắn ngủi - LIÊT SĨ ĐẶC CÔNG, LIÊT SĨ CHƯA BIẾT TÊN. Ôi, năm tháng cứ qua đi, cuộc sống cứ từng ngày tiến về phía trước, những bia mộ vẫn hàng hàng tiếp nối LIỆT SĨ CHƯA BIẾT TÊN. Còn nơi cao điểm 772, 685 hay ở Đồi Xanh, Khe Cụt, Nậm Ngặt..., rất nhiều chiến sĩ đã ngã xuống mà chưa được kiếm tìm, mà chúng tôi chỉ được nghe kể và vái vọng.

Dâng hương tưởng niệm

Nếu như Nghĩa trang liệt sỹ A1 nơi thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam, là nhân chứng lịch sử nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay và mai sau luôn noi gương và ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sỹ, truyền thống anh hùng cách mạng của cha anh để phấn đấu lao động, học tập và rèn luyện mọi mặt xây dựng quê hương giàu đẹp thì đồi A1 là những chứng tích của 1 thời “máu lửa” vẫn còn sống mãi cùng với thời gian. Nơi chúng tôi đang dừng chân chính là di tích Đồi A1, nơi đã chứng kiến biết bao thăng trầm của mảnh đất lịch sử. Cũng chính trên mảnh đất này đã thấm đẫm biết bao mồ hôi, xương máu của những người con ưu tú của cách mạng Việt Nam quyết hy sinh thân mình cho độc lập, tự do của quê hương đất nước.

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
A1 rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào”!

Trên Đồi A1, chúng tôi được nghe chị hướng dẫn viên du lịch là người đồng bào Thái thuyết minh giới thiệu về tầm quan trọng, ý nghĩa của ngọn đồi trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, được nghe những câu chuyện hết sức cảm động, về những khó khăn khi chiến đấu, những tấm gương hi sinh của các chiến sĩ trên ngọn đồi. "Với một đoạn hào dài gần 50m, quân đội ta đã phải hy sinh 300 chiến sĩ!" Và hơn 2.500 chiến sĩ đã hy sinh sau 39 ngày đêm giành giựt tại đỉnh đồi. Quả thật không thể kể hết được những đau thương và mất mát tại đỉnh Đồi A1 này.

“Bao Liệt sĩ trên mỗi mét chiến
Người tiếp người giật giành từng tấc đất
Hố bộc phá hình loa kèn xung trận
Vọng ngàn năm như mệnh lệnh không lời”

Thăm đồi A1 nghe thuyết minh về cử điểm A1

Bên cạnh là ngôi mộ tập thể của 4 chiến sĩ đã bắn cháy chiếc xe tăng của địch. Khi Pháp cho xe tăng điên cuồng phản kích trên cứ điểm A1, các chiến sĩ đã chiến đấu rất anh dũng, dùng súng Bazoka tiêu diệt chiếc xe tăng này. Chiếc xe tăng bốc cháy quân Pháp mất hẳn hàng rào bảo vệ trên hệ thống phòng tuyến thứ 3, nhưng đồng thời 4 chiến sĩ đã mãi mãi ra đi. Các anh hy sinh nhưng:

“Không để dòng tên họ
Không năm sinh, không để dấu thôn làng
Như tất cả cuộn thành tiếng nổ
Ném vào hầm ngầm, ụ súng, xe tăng”

Ngôi mộ tập thể này cùng các nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên Phủ đều có điểm chung đó là chưa thể khắc trên bia mộ tên họ các anh vì bị “lạc” mất tên trong quá trình chiến đấu và hy sinh mà trước đây chúng ta vẫn thường gọi là những ngôi mộ liệt sĩ vô danh. Nhưng “xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh”

“Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh anh tròn ngày chẵn tháng
Cha đặt tên anh chọn tuổi, chọn mùa
Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái
Vẹt mòn trong nắng trong mưa...
…Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh!”

Một phút tưởng niệm với các chiến sĩ vô danh đã hy sinh

Vẫn biết rằng cuộc chiến nào cũng đau thương và mất mát, nhưng sao hôm nay tất cả chúng tôi, những CBNV Gas South hằng ngày quay cuồng với cuộc sống mưu sinh vội vã, sôi nổi, vui nhộn lại không ai nói với ai một lời, tất cả đều lặng thinh, khóe mắt cay cay vì thương những chiến sĩ còn nằm lại dưới lòng đất Mẹ khi tuổi đời còn rất trẻ, vì thương các anh "Mỗi nắm cơm kèm theo một gói lạc, thế là mỗi người chúng tôi cắn từng miếng cơm nhón từng hạt lạc cho vào mồm, cứ thấy cái gì chát chát, mặn mặn, có một vị gì dễ chịu quá, cứ mút ngón tay mãi. Ăn xong thì có một chiến sỹ nói, này các cậu ơi nhìn 2 ngón tay mình này, thì chúng tôi mới nhìn lại ngón tay mình, sau đó mới nhìn lại bàn tay rồi người mình, nhìn đồng đội chỗ nào cũng thấy máu và đất. Ngay lúc đấy có một chiến sỹ nói, trong người của chúng mình có máu của đồng đội, có đất của Điện Biên”

Tiếp đến, đoàn tham quan hầm Đờ Cát (De Castries), một căn cứ vô cùng kiên cố, nhưng sau 55 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, quân dân Việt Nam đã chiếm được căn hầm chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm này.

Hầm chỉ huy của tướng De Castries nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên. Hầm được xây dựng kiên cố với mái vòm bằng sắt, ván gỗ và nhiều bao cát, hàng rào thép gai hay những bãi mìn dày đặc bao bọc xung quanh. Bốn góc của hầm là 4 xe tăng và phía tây là trận địa pháo bảo vệ. Căn hầm dài 20 mét, rộng 8 mét được chia làm 4 ngăn là nơi làm vệc và nghỉ ngơi của tướng De Castries cùng Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây cũng là nơi đánh dấu sự thất bại thảm hại của một đạo quân viễn chinh với hình ảnh viên tướng chỉ huy cùng toàn bộ sĩ quan dưới quyền giơ tay xin hàng và bộ đội ta phất cao lá cờ Quyết chiến quyết thắng kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Đã 68 năm trôi qua nhưng sự khốc liệt của chiến trường Điện Biên, lòng quả cảm và tinh thần hy sinh không tiếc máu xương của các chiến sĩ, đồng bào tham gia chiến dịch để mang lại chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn vang vọng mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam cũng như bạn bè thế giới. Hôm nay đây chúng tôi, đoàn CBNV Gas South đang đứng trên mảnh đất lịch sử anh hùng, trời Điện Biên khói lửa năm xưa nay đã khoác lên mình màu xanh của sự bình yên. Những cái tên Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam cùng với Đồi A1, D1....đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi.

Về với Điện Biên hôm nay là về với mảnh đất của lịch sử, về với cội nguồn làm nên chiến thắng vẻ vang./.

Thu Thủy