Thị trường gas của Việt Nam hình thành và phát triển từ những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, thị trường này chỉ thực sự phát triển mạnh từ năm 1998, khi Việt Nam có nhà máy chế biến khí hóa lỏng ở Dinh Cố (Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo ước tính, cả nước hiện nay có khoảng gần 70 công ty kinh doanh gas với đủ các thành phần kinh tế, hơn 20 nhà máy sản xuất vỏ bình gas, sản lượng gas tiêu thụ khoảng 950.000-1.000.000 MT/năm.
Từ khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến nay, thị trường gas trong nước cũng chưa chịu ảnh hưởng nhiều. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có nguồn gas xuất khẩu, chủ yếu là nhập khẩu tiêu thụ cho dân dụng và một số ngành công nghiệp vừa và nhỏ.
Hiện nay, nạn sang chiết lậu gas ngày một gia tăng, việc chiếm dụng vỏ bình làm nhái nhãn hiệu, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, gây ảnh hưởng và làm mất uy tín của các DN kinh doanh lành mạnh... đang trở thành vấn nạn. Từ góc độ DN, theo ông các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như bản thân các DN kinh doanh gas cần có biện pháp gì để giải quyết vấn nạn trên? Và với riêng mình, VT-Gas đã có biện pháp gì để bảo vệ và phát triển thương hiệu của mình?
Như đã nói, từ khi có Luật Doanh nghiệp, các công ty kinh doanh gas đã ra đời và phát triển một cách nhanh chóng. Ngày càng đông đảo thành phần kinh tế được tham gia kinh doanh gas đã góp phần làm cho giá thành của mặt hàng tiêu dùng gas “hạ nhiệt”. Gas đã có mặt ở khắp nơi, cả vùng sâu, vùng xa trên toàn quốc, khuyến khích người dân nhanh chóng thay thế các chất đốt khác để sử dụng gas.
Tuy nhiên, đây là một ngành kinh doanh có điều kiện. Sự phát triển quá nóng của thị trường mà không có sự kiểm soát chặt chẽ, thiếu khung hành lang pháp lý điều chỉnh đã làm cho thị trường gas trở lên hỗn loạn khó kiểm soát. Các trạm chiết đầu tư thấp, chiếm dụng vỏ bình của các công ty gas có uy tín để chiết nạp gas trái phép bán kiếm lời. Ước tính thị trường gas giả hiện nay chiếm khoảng 30% (không đầu tư vỏ bình, không tốn chi phí kiểm định, bảo dưỡng sữa chữa vỏ bình, không phải mua bảo hiểm cho thương hiệu và trốn thuế...). Hậu quả là nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng và thiệt hại về kinh tế cho xã hội rất lớn. Các công ty gas không những bị thiệt hại về kinh tế mà còn bị mất uy tín thương hiệu và sản phẩm của mình.
Về góc độ quản lý, đối với các cơ quan quản lý nhà nước: Cần hoàn thiện các văn bản pháp quy và có các biện pháp chế tài hữu hiệu, xử phạt nghiêm minh để thị trường kinh doanh gas được an toàn và bình đẳng.
Đối với các công ty gas: Cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra giám sát sản phẩm của mình, xây dựng và quản lý hệ thống phân phối để quản lý vỏ bình và nguồn gas, không để bị “tuồn” đến các cơ sở chiết nạp lậu.
Đối với Công ty VT-Gas: Bên cạnh việc quảng cáo thương hiệu và phát triển thị trường thì chúng tôi cũng luôn phải tích cực trong công tác đấu tranh chống hàng giả; Phối hợp với Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) và các cơ quan truyền thông để tổ chức các diễn đàn chống nạn sang chiết gas trái phép; Tham gia thành lập hội G10 (Hiệp hội 10 công ty gas đầu ngành) tích cực cùng các cơ quan quản lý thị trường và công an kinh tế ở các khu vực kiểm tra xử lý các vụ việc sang chiết, kinh doanh gas trái phép.
Vậy còn công tác phòng chống cháy nổ cũng như việc tham gia bảo hiểm cháy nổ và các rủi ro khác đã được VT-Gas thực hiện như thế nào?
Công tác phòng chống cháy nổ của VT-Gas luôn được coi trọng hàng đầu và đây cũng là nhiệm vụ chính của DN kinh doanh gas. Tất cả cán bộ, công nhân viên mới vào VT-Gas đều phải học tập nội quy an toàn. Hàng năm đều phải có huấn luyện đào tạo mới, cập nhật về công tác an toàn phòng chống cháy nổ. Công ty phối hợp với công an PCCC Đồng Nai (PC 23) diễn tập PCCC theo định kỳ một năm ít nhất một lần, Công ty VT-Gas luôn xác định an toàn là trên hết. Để xảy ra sự cố cháy nổ thì tác hại sẽ rất khôn lường, vô cùng khó cứu chữa và không có cơ hội để rút kinh nghiệm.
Việc mua bảo hiểm là yêu cầu bắt buộc đối với các công ty kinh doanh gas. Công ty đã mua bảo hiểm về tài sản, bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người thứ 3 khi dùng sản phẩm của VT-Gas. Nếu xảy ra sự cố chính đáng đều được bảo hiểm với mức bồi thường 50 triệu đ/vụ.
Giá gas trong nước liên tục biến động, vậy đâu là nguyên nhân thưa ông?
Giá gas trong nước liên tục biến động như vậy là do cơ thế thị trường. Mặt hàng gas đã được Nhà nước thả nổi, giá gas trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá gas thế giới. Vì gas sản xuất trong nước của Việt Nam hàng năm chỉ đạt khoảng 25-30%/năm, do vậy nhu cầu nhập khẩu bổ sung chiếm khoảng 70-75%/năm.
Trong bối cảnh lãi suất tăng cao như hiện nay, những khó khăn về nguồn vốn tác động như thế nào đến kết quả kinh doanh của công ty?
Công ty VT-Gas là một trong những liên doanh của 2 công ty hàng đầu trong lĩnh vực khí hóa lỏng (đó là Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGas của Việt Nam và Ủy ban Dầu khí quốc gia Thái Lan - PTT của Thái Lan). Công ty đã đi vào hoạt động từ năm 1994 đến nay và bắt đầu có lãi sau một năm hoạt động. Công ty luôn được sự quan tâm giúp đỡ từ hai phía đối tác về nguồn hàng và vốn đầu tư, có khả năng về tài chính rất tốt nên luôn có đủ nguồn vốn để nhập khẩu và mua gas phục vụ kinh doanh, không phải đi vay nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi lãi suất ngân hàng tăng cao.
Hải Long - Tiến Mạnh thực hiện