Thông Tin Thị trường

  Chống gas lậu: Khó hay không quyết liệt ? (5/8/2010)
  Theo thống kê của các doanh nghiệp kinh doanh gas: Cả nước có từ 20%- 30% các hộ dân đang sử dụng bình gas bị sang chiết lậu. Riêng tại TPHCM, con số này lên tới gần 40%.

Đại diện một công ty kinh doanh gas tại TPHCM nhận xét: Sang chiết gas lậu là nghề dễ kiếm tiền và có mức lợi nhuận cao. Chỉ cần mỗi bình gas, ai đó sang chiết bơm thiếu 2 kg là đã kiếm được 40.000 đồng, chưa kể các loại gas này không bảo đảm về chất lượng; chứa nhiều tạp chất, nước, dầu cặn, lưu huỳnh...

Theo ông Lê Phúc Đại, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt: Dân sang chiết gas lậu chấp nhận trong 10 chuyến hàng nếu bị tịch thu và xử phạt một chuyến hàng thì vẫn có mức lợi nhuận cao. Đồng tình với nhận định này, bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), thống kê: Trong số vỏ bình của đơn vị tung ra thị trường, có từ 30%- 40% vỏ không quay về vì rơi vào tay đối tượng sang chiết gas lậu.

Các doanh nghiệp (DN) gas đều biết rõ đối tượng và địa điểm sang chiết và kinh doanh gas lậu nhưng không thể làm gì hơn ngoài việc theo dõi và thông báo với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Song, trên thực tế việc phối hợp này thường xuyên bị “trục trặc”, DN báo cả chục vụ thì cơ quan chức năng chỉ thực hiện được... một, hai vụ.

Đại diện một DN kể: Nhiều vụ sang chiết gas lậu diễn ra giữa ban ngày, hiện trường sờ sờ trước mắt, dù đã thông báo nhưng chờ mãi vẫn không thấy cơ quan chức năng xuống kiểm tra, xử lý. Chỉ đến khi hiện trường biến mất thì mới thấy đoàn kiểm tra xuất hiện.

Tự cứu

Theo ông Trần Trung Chính, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Khí hóa lỏng VN: Nạn gas lậu hoành hành như hiện nay một phần do chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh gas cũng như các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng. Do đó, DN kinh doanh gas phải tìm cách tự cứu. Sắp tới, Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt sẽ tổ chức một số hệ thống phân phối hàng theo khu vực, đưa hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, khách hàng chỉ cần gọi điện thoại sẽ có nhân viên công ty giao hàng tận nhà. Còn Công ty Petronas VN sẽ sử dụng loại tem đặc biệt của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an để chống hàng giả. Loại tem này chỉ sử dụng được một lần; khi bóc ra, tem sẽ bị rách.

Để người tiêu dùng phân biệt giữa hàng giả - hàng thật, nhiều DN tổ chức đợt tập huấn, đề nghị các đại lý cam kết không được phép kinh doanh bình gas trái phép. Nhân viên kỹ thuật đến từng hộ gia đình sử dụng gas của đơn vị để kiểm tra độ an toàn cũng như phát hiện bình gas lậu. Tuy nhiên, vẫn không thể ngăn ngừa gas lậu tràn lan.

Khó xử lý

Ông Dương Công Khanh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Chi cục QLTT TPHCM, cho biết: Đối với mặt hàng gas không có hóa đơn chứng từ, sử dụng niêm màng co, tem giả chỉ bị tịch thu hàng và phạt hành chính trên dưới 10 triệu đồng. Mức phạt này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và thiếu điều kiện để xử lý vụ việc không đến nơi đến chốn. Phần lớn những điểm sang chiết gas lậu đều trên địa bàn Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh... nên chỉ còn cách chờ hàng vào đến TP để xử lý chứ không triệt được tận gốc.

Tương tự, khi phát hiện gas lậu tại các cửa hàng kinh doanh, chủ cửa hàng đều trả lời không biết là gas lậu nên chỉ tịch thu hàng chứ không xử lý trách nhiệm được. Theo ông Lê Xuân Đài, Chi cục phó Chi cục QLTT TPHCM: Theo quy định, hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mới bị truy tố hình sự. Biết được quy định này, bọn buôn lậu chỉ vận chuyển hàng trị giá khoảng vài chục triệu đồng nên không thể xử lý hình sự.

Theo Nguyễn Hải